Thứ Hai, 4 tháng 5, 2009

Dinh dưỡng trong các bệnh ngoại khoa

Trong các bệnh ngoại khoa, dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng, vì bệnh nhân ngoại khoa phải đủ sức vượt qua được cuộc phẫu thuật do mất máu, dịch thể, stress... Để phẫu thuật đạt kết quả tốt, bệnh nhân cần được nuôi dưỡng tốt cả trước và sau phẫu thuật. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Ở những bệnh nhân nuôi dưỡng kém trước phẫu thuật có tỉ lệ nhiễm khuẩn tăng, tỉ lệ tử vong tăng và gặp nhiều biến chứng hơn so với những bệnh nhân đuợc nuôi dưỡng tốt.
1. Nguyên tắc của dinh dưỡng trong bệnh ngoại khoa
Dinh dưỡng trong các bệnh ngoại khoa có thể chia ra 3 thời kỳ: Trước phẫu thuật, chuẩn bị phẫu thuật và sau phẫu thuật
- Dinh dưỡng thời kỳ trước phẫu thuật: Thời kỳ này dài hay ngắn tuỳ thuộc vào tính chất bệnh cấp cứu hoặc không và phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân. Chế độ ăn cần tăng cường chất dinh dưỡng cho bệnh nhân đủ sức chịu đựng phẫu thuật.
- Dinh dưỡng trong thời gian chuẩn bị phẫu thuật: đảm bảo giảm bớt cặn bã trong ruột, giảm vi trùng đường ruột nhất là khi phẫu thuật đường tiêu hoá, tránh nôn và chịu đựng được thuốc mê.
- Dinh dưỡng sau khi phẫu thuật: Thời kỳ này đòi hỏi có chế độ ăn đặc biệt phù hợp với bệnh nhân, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.
1.1. Dinh dưỡng trước khi phẫu thuật Mục tiêu của dinh dưỡng trước phẫu thuật là để tăng cường tối đa tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân.
- Nguyên tắc chung: Chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ này cần đảm bảo:
+ Nhiều protein đây là điểm quan trọng nhất, vì bệnh ngoại khoa thường làm cho cơ thể mất nhiều protein do chảy máu, vết thương, do viêm, do bỏng nặng .
• Nhiều năng lượng, nhu cầu năng lượng cần phải tăng thêm từ 10- 50 % và đôi khi phải tăng tới 100 % so với bình thường.
• Nhiều glucid để ngoài cung cấp năng lượng, gluxid còn làm cho gan tích trữ được nhiều glycogen và có tác dụng bảo vệ gan khỏi bị tổn thương do dùng thuốc mê.
• Duy trì chế độ dinh dưỡng cao ít nhất 1 tháng đối với bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng, có khi phải duy trì hàng 6 tháng hoặc hơn như những trưỡng hợp phải ghép gan...
- Dinh dưỡng trước phẫu thuật trong một số bệnh đặc biệt:
• Bệnh đái đường: Đối với bệnh này khi phẫu thuật rất hay có biến chứng. Vì vậy trước khi phẫu thuật phải cho chế độ ăn điều trị bệnh nhằm giảm glucoza máu và giảm tình trạng toan.
• Bệnh béo phì: Khi béo phì bệnh nhân thường bị bệnh tim, gan, thận đồng thời do lớp mỡ thành bụng quá dày vết mổ thường phải to, vết mổ lâu liền. Do vậy phải cho chế độ ăn điều trị bệnh béo phì trước khi mổ.
• Trong các trường hợp đặc biệt khác: Tuỳ theo bệnh mà cho chế độ ăn dinh dưỡng phù hợp: Bệnh nhân xuất huyết cần nhiều sắt, bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, vết thương mưng mủ... cần nhiều protein, bệnh nhân dùng nhiều kháng sinh cần bổ xung nhiều vitamin.v.v.
1.2. Dinh dưỡng trong thời gian chuẩn bị phẫu thuật Thời gian chuẩn bị phẫu thuật thường là một ngày, một đêm ( 24 giờ ), thời gian này không cần phải nhịn ăn, tuy nhiên cần lưu ý như sau :
- Ngày trước hôm phẫu thuật: Nên cho ăn nhẹ để không làm mệt bộ máy tiêu hoá, ăn thức ăn mềm, ít chất xơ. Bữa chiều ăn ít hơn bữa trưa.
- Sáng hôm phẫu thuật: Bệnh nhân phải nhịn ăn, chỉ cho bệnh nhân uống nước đường hoặc một ít nước lọc.
1.3. Dinh dưỡng thời kỳ sau phẫu thuật Sau phẫu thuật thường gây ra một số rối loạn cho bệnh nhân, thông thường qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu: Là thời gian 1 - 2 ngày ngay sau khi mổ. Đây là giai đoạn tăng nhiệt độ cơ thể, liệt cơ do ảnh hưởng của thuốc gây mê dẫn đến liệt ruột, chướng hơi, bệnh nhân mệt mỏi. Chuyển hoá mất nhiều nitơ, cân bằng nitơ âm tính, mất nhiều kali, vì thế cũng làm tăng thêm sự liệt ruột, chướng hơi.
- Giai đoạn giữa: Từ ngày thứ 3 - 5 sau mổ. Thông thường đến giai đoạn này nhu động ruột đã trở lại, bệnh nhân đã có thể trung tiện. Bệnh nhân tỉnh táo hơn, có cảm giác đói nhưng vẫn chán ăn. Bài tiết nitơ giảm đi, cân bằng nitơ trở lại bình thường. Bài tiết kali cũng giảm.
- Giai đoạn hồi phục: Đến giai đoạn này bệnh nhân đại tiểu tiện bình thường, kali máu dần trở lại bình thường. Vết mổ đã liền. Bệnh nhân biết đói, có thể ăn tăng để phục hồi dinh dưỡng nhanh.
2. Chế độ dinh dưỡng
2.1. Giai đoạn đầu : Giai đoạn này bệnh nhân chưa ăn được. Chủ yếu bù nước và điện giải, cung cấp glucid đảm bảo đủ lượng calo cần thiết cho nuôi dưỡng cơ thể, làm giảm giáng hoá protein. Có thể truyền tĩnh mạch các loại dịch glucoza 5%, glucoza 30%, NaCl 90/ oo, KCl 1 hoặc 2 ống. Cho uống rất ít, nếu bệnh nhân bị chưóng bụng thì không nên cho uống. Còn những bệnh nhân mổ ngoài hệ tiêu hoá cho uống một ít một ( 50 ml cách nhau 1 giờ ) nước đường nước luộc rau, nước quả. Có thể truyền plasma, máu. Cần xét nghiệm tỷ lệ kali, dự trữ kiềm, NaCl, nitơ máu để chỉ định dùng các loại thuốc phù hợp.
2.2. Giai đoạn giữa (ngày thứ 3 - 5) :
- Cho ăn tăng dần và giảm dần truyền tĩnh mạch.
- Khẩu phần tăng dần năng lượng và protein. Bắt đầu từ 500 Kcal và 30 gam protein, sau đó cứ 1 - 2 ngày tăng thêm 250 - 500 Kcal cho đến khi đạt 2000 Kcal/ ngày.
- Cho ăn sữa. Nên dùng dưới dạng sữa pha nước cháo. Nên dùng sữa bột đã loại bơ, dùng sữa đậu nành. Cho ăn làm nhiều bữa ( 4 - 6 bữa ). Vì bệnh nhân còn đang chán ăn, do vậy cần động viên bệnh nhân ăn - Có thể dùng nước thịt ép khi bệnh nhân không dùng được sữa - Dùng các loại thức ăn có nhiều vitamin B, C, PP như nước cam, chanh .... - Ăn thức ăn mềm hạn chế thức ăn có xơ.
2.3. Giai đoạn hồi phục : Giai đoạn này vết mổ đã liền, bệnh nhân đã đỡ. Vì vậy chế độ ăn cung cấp đầy đủ calo và protein để tăng nhanh thể trọng và vết thương mau lành. Đây là chế độ ăn nhiều protein và calo. Protein có thể tới 120 - 150g/ ngày và năng lượng có thể tới 2500 kcal - 3000 kcal/ ngày. Khẩu phần này phải được chia thành nhiều bữa trong ngày (5-6 bữa/ ngày hoặc hơn) Dùng nhiều sữa, trứng, thịt, cá, đậu đỗ để cung cấp chất đạm và các loại hoa quả để tăng vitamin C và vitamin nhóm B.
Cần lưu ý rằng việc nuôi dưỡng bằng đường truyền tĩnh mạch lúc đầu là rất cần thiết. Song phải sớm nuôi dưỡng bệnh nhân bằng đường tiêu hoá. Điều này vừa có tác dụng nuôi dưỡng bệnh nhân sinh lý hơn, an toàn hơn, kinh tế hơn vừa có tác dụng kích hoạt cho hệ thống tiêu hoá sớm trở lại bình thường. Dùng chế độ ăn qua ống thông nếu ăn bằng miệng không đủ nhu cầu, sau đó dần cho bệnh nhân ăn bằng đường miệng. Cho ăn nhiều bữa trong ngày, cho ăn tăng dần lượng protein và calo, không cho ăn quá nhiều một lúc để tránh ỉa chảy.
Ths. Nguyễn Thanh Chò
.........................

Thông tin Bệnh nhân phẫu thuật




Dưới đây là những thông tin giúp bạn nắm rõ những gì sẽ diễn ra trước và sau khi bạn được phẫu thuật.
Khám tiền mê với bác sĩ gây mê
Bạn phải thực hiện khám tiền mê với bác sĩ gây mê trước mỗi cuộc phẫu thuật. Bác sĩ gây mê sẽ quyết định phương pháp gây mê nào là tốt nhất cho bạn. Bạn có thể được chỉ định làm một số xét nghiệm trước khi phẫu thuật (chi phí xét nghiệm này chưa tính trong giá dịch vụ điều trị phẫu thuật theo chương trình), và bác sĩ sẽ giải thích phương pháp gây mê được áp dụng cho bạn.
Cam kết chấp thuận phẫu thuật, quy trình và gây mê
Khi đã biết thông tin đầy đủ về ca phẫu thuật của mình, bạn được yêu cầu ký bản chấp thuận, cho phép bác sĩ thực hiện ca mổ theo kế hoạch. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại hỏi bác sĩ phẫu thuật.
Tùy thuộc vào ca mổ, bạn cũng có thể được yêu cầu ký vào bản chấp thuận truyền máu - phiếu thông tin về việc truyền máu luôn có sẵn nếu bạn muốn tìm hiểu thêm.
Trẻ em dưới 18 tuổi phải có bản chấp thuận nói trên và được cha mẹ hoặc người giám hộ ký.
Những điều cần nhớ trước khi mổ
• Bạn không được ăn, uống hoặc hút thuốc lá trong 6 tiếng trước khi mổ
• Bạn có thể đánh răng trong thời gian này, nhưng không được nuốt nước
• Tẩy trang và rửa sạch sơn móng tay, móng chân trước khi tới bệnh viện
• Nếu bạn để tóc dài, hãy cột gọn tóc lại
• Cố gắng đi tiểu trước khi vào phòng mổ
• Sau khi uống thuốc tiền phẫu thuật, đừng tự bước xuống giường nếu không có sự trợ giúp, bạn có thể không tỉnh táo và có nguy cơ bị chấn thương.
Vệ sinh trước khi mổ
Vệ sinh sạch sẽ giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng sau mổ. Chúng tôi yêu cầu bạn tắm 2 lần trước khi phẫu thuật (đêm trước và trong ngày mổ) bằng loại xà phòng khử trùng đặc biệt mà chúng tôi cung cấp. Kỹ thuật tắm: sử dụng tay xát xà phòng và tập trung vào các khu vực như cùi chỏ, dưới cánh tay, đầu gối và bàn chân. Xả sạch và lau khô người bằng khăn sạch. Bạn không cần gội đầu nếu như đầu sạch, trừ khi bạn phải phẫu thuật đầu hay cổ. Sau lần tắm thứ 2, hãy mặc áo choàng của bệnh viện và nằm chờ trên giường sạch. Nếu bạn cần phải vệ sinh lông, việc này sẽ được thực hiện trong phòng mổ, ngay trước khi phẫu thuật.
Tư trang của bệnh nhân phẫu thuật
Tốt nhất bạn nên gởi vật dụng quý giá của mình cho người thân. Nếu không, chúng tôi có thể giữ chúng trong két an toàn của khoa – các điều dưỡng sẽ vui lòng giúp đỡ việc này. Bệnh viện sẽ không chịu trách nhiệm về những vật dụng không được cất trong két an toàn.
Thời gian thực hiện phẫu thuật
Điều dưỡng sẽ thông báo cho bạn thời gian thực hiện phẫu thuật. Để chuẩn bị tốt cho cuộc phẫu thuật, bạn sẽ được đưa đến phòng mổ từ 30 đến 45 phút trước khi bắt đầu.
Đến phòng mổ
Một y công sẽ giúp bạn lên xe đẩy, điều dưỡng sẽ kiểm tra lại thông tin lần cuối và chuyển bạn đến phòng mổ. Hai thành viên gia đình được phép đi cùng bạn đến cửa phòng mổ nhưng không được vào bên trong do đây là khu vực vô trùng.
Nếu cần được gây tê hay gây mê, bạn sẽ được truyền dịch qua tĩnh mạch để thuốc ngấm nhanh hơn.
Sau khi mổ
Bạn sẽ được đưa về phòng hồi sức. Tại đây bạn được theo dõi cho đến khi tỉnh lại và hồi phục sức khỏe để chuyển về phòng bệnh (thường là sau 1 đến 2 tiếng).
Tuỳ thuộc vào ca mổ và thể trạng mà bạn có thể được đưa trở về phòng bệnh hay Phòng Săn sóc Đặc biệt Chuyên sâu.
Phòng Săn sóc Đặc biệt Chuyên sâu
Một vài dịch vụ phẫu thuật/ điều trị theo chương trình có bao gồm chăm sóc tại Phòng săn sóc đặc biệt, hoặc một vài bệnh nhân sẽ được chỉ định theo dõi thêm sau khi mổ tại đây. Đây là khu vực giới hạn và giờ thăm viếng cũng bị hạn chế.
Nếu dịch vụ phẫu thuật theo chương trình của bạn không bao gồm việc chăm sóc đặc biệt, một khoản phụ phí sẽ được tính thêm cho sự chăm sóc tại đây.
Trở về phòng bệnh
Sau khi phẫu thuật bạn sẽ được đưa về giường bệnh, ở đó diều dưỡng sẽ theo dõi huyết áp, nhịp tim và nhiệt độ của bạn, đánh giá mức độ đau và kiểm tra các biến chứng.
Xin đừng cố gắng ra khỏi giường sau khi mổ mà không có sự trợ giúp – Hãy luôn gọi điều dưỡng vì bạn có thể bị choáng và có thể bị chấn thương.
Bạn có thể vẫn phải giữ lại đường ven nhằm giúp chúng tôi dễ dàng truyền dịch, tiêm thuốc, lấy máu, thông tiểu, đặt ống,… Tất cả sẽ được điều dưỡng giải thích rõ.
Hãy báo cho điều dưỡng hay bác sĩ nếu bạn thấy có những triệu chứng sau:
• Thấy đau, bạn có thể cần thêm thuốc giảm đau
• Đi tiểu khó hoặc thấy đau khi tiểu
• Đau khi hít vào hoặc thở ra
• Đau ở vết mổ
• Buồn nôn ói mửa (do ảnh hưởng thông thường của thuốc mê)
• Bất kỳ triệu chứng nào khác.
Kiểm soát cơn đau
Thông báo cho điều dưỡng khi bạn thấy đau, hay cảm thấy thuốc không có tác dụng. Điều dưỡng sẽ yêu cầu bạn đánh giá cơn đau theo thang đo từ 0 (không đau) đến 10 (rất đau). Chúng tôi nhận định sự đau đớn là đáng lo ngại và không có lợi cho việc hồi phục của bạn. Vì thế, mục tiêu của Bệnh viện FV là không để cho bệnh nhân bị đau. Chúng tôi luôn ưu tiên cho việc kiểm soát cơn đau.
Ăn uống sau khi mổ
Hầu hết các ca phẫu thuật yêu cầu bạn không được ăn hay uống trong một thời gian. Bạn có thể súc miệng bằng nước nhưng không được uống. Điều dưỡng sẽ thông báo khi nào bạn được phép ăn uống.
Chăm sóc thuốc men sau khi phẫu thuật
Bác sĩ phẫu thuật hoặc một thành viên của kíp mổ sẽ thăm khám bạn một hay hai lần trong ngày tùy theo tình trạng của bạn để đánh giá tiến triển hồi phục cho đến khi bạn xuất viện. Bác sĩ gây mê cũng sẽ đến thăm bạn hàng ngày để chăm sóc các chỗ đau và các nhu cầu khác cho đến khi bạn không cần đến họ nữa.
...................

CHUẨN BỊ PHƯƠNG TIỆN, THUỐC GÂY MÊ- GÂY TÊ

Chuẩn bị đủ điều kiện cho gây mê, gây tê là việc làm thường xuyên hàng ngày của người gây mê hồi sức.Nhất là những người phụ mê.Nội dung chuẩn bị bao gồm tất cả những trang bị dụng cụ thuốc phải chuẩn bị sẵn sàng trước cuộc gây mê và bổ xung những cơ số thiếu hụt, hỏng hóc. Khi chuẩn bị đầy đủ điều kiện ,người gây mê sẽ hoàn toàn chủ động trong việc gây mê trên bệnh nhân, hạn chế được những tai biến có thể xả ra.

1.Chuẩn bị phương tiện cho gây mê:
Các phương tiện cần chuẩn bị bao gồm: Phương tiện cho gây mê, phương tiện cho hồi sứcvà một số phương tiện dụng cụ khác.

1.1.Chuẩn bị phương tiện cho gây mê:
Về nguyên tắc, cần phải chuẩn bị tối đa.
- Bơm tiêm: Bộ bơm kim tiêm dùng cho gây mê gồm nhiều loại, mỗi loại bơm tiêm dùng cho một loại thuốc, ở mỗi bôm tiêm cần dán nhãn để khi lấy không bị nhầm lẫn. Bơm tiêm lấy thuốc trong gây mê thường có quy định sau:
+Bơm tiêm lấy thuốc mê: Thường xuyên bơm 20ml cho các thuốc mê Thiopental, Propofol.
+Một bơm tiêm 10ml thường dùng để pha các thuốc giãn cơ ngắn (succinyl clolin)
+Các bơm tiêm 5ml: một bơm lấy thuốc tiền mê, một bơm lấy thuốc giảm đau, một bơm lẩy thuốc giãn cơ dài...Các bơm tiêm dùng cùng cỡ bắt buộc phải dán nhãn để khỏi nhầm lẫn khi tiêm thuốc.
Nếu dùng bơm tiêm thuỷ tinh và bắng kim loại, các loại này trước khi dùng phải được hấp vô khuẩn cẩn thận để trong một hộp riêng, tốt nhất là dùng bơm tiêm nhựa dùng một lần rồi bỏ.
+kim tiêm phải có kim lấy thuốc loại to, dùng cho tưng loại thuốc, cũng không nên dùng chung tránh kết tủa thuốc, kim để tiêm dùng các kim loại nhỏ.
+Bơm tiêm điện: Dùng trong khi sử dụng các thuốc phải tính thời gian để duy trì một lượng thuốc ổn định trong máu.Ví dụ: dùng khi duy trì thuốc mê Propol hoặc thuốc hồi sức. Khi dung bơm tiêm điện phải có đoanh dây nối từ bơm tiêm tới đường truyền của bệnh nhân.
- Đèn soi thanh môn: Phải kiểm tra đèn trước khi dùng, pin phải đủ sáng, lưỡi đèn phải chọn cỡ phù hợp với bệnh nhân. có các cỡ cho người lớn, trẻ em. Phải xoay bóng đèn cho chặt. Phải sát trùng trước khi dùng cho bệnh nhân.
- Ống nội khí quản: Tuỳ theo yêu cầ của bệnh nhân cụ thể mà chon lưỡi đèn phù hợp cho bệnh nhân. Ống không có cuff chọn dùng khi đặt qua đườn mũi.
Ống có lò so chọn để dùng cho bệnh nhân mổ ở các tư thế đặc biệt dẽ gập, bẹp ống. ống cảlen dùng khi mổ phổi...Mỗi bệnh nhân phải chon 3 cữ ống để sẵn, một ống cữ vừa với bệnh nhân, thường chọn bằng cách:
Nếu là người lớn thì chon cỡ ống có đường kính trong bằng ngón tay nhẫn của bệnh nhân
Nều là trẻ em thì chọn ống có đường kính bằn ngón tay út của bệnh nhân.
Hoặc dùng công thức:
Đường kính trong của ống:
Còn ống người lớn thường dài khoảng 24-27cm
2 ống dự phòng: 1 ống có cỡ to hơn ống vừa một số
1 ống có cỡ nhỏ hơn ống vừa một số
Các ống nội khí quản được lựa chon đều phải kiểm tra trong lòng ống xem có tắc không, cuff có thủng không, phải sát khuẩn cẩn thận và để ngay ngắn trong hộp hoặc trên bàn gây mê.
- Bơm tiêm bơm cuff: Thường dùng bơm 10ml, không cần vô khuẩn.
- Các ống nối( giắc co) đẻ nối đầu ngoài của ống nôij khí quản với bóng hoặc hệ thống gây mê. Phải lắp vừa khí mới được dùng.
- Cây thông nòng (mandrin): Dùng để làm nòng thông đặt trong ống nội khí quản khi đặt ống cho những loại ống mềm hoặc cấn làm cong nhiều cho dễ đặt. Mandrin phải đủ mềm để có thể uốn cong các kiểu. Thường dùng bằng các dây nhôn đường kính 1-2mm. Đầu của mandrin khi đưa vào đầu trong của ống nội khí quản không được thò ra ngoài đầu của ống nội khí quản.
- Bóng ambu: Nếu có điều kiện dùng cho người lớn và trẻ em riêng. Bóng phải kín không được thủng. khi bóp bóng khí vào đủ cho bệnh nhân. Phải kiểm tra trước xem các van một chiều có hoạt động tốt hay không? Bóng ambu phải luôn treo ở đầu bàn mổ. Mỗi bàn mổ phải có ít nhất một bóng.
- Các loại mask : chọn cỡ phù hợp cho bệnh nhân để sẵn.
- Canun mayo: chon cỡ phù hợp cho bệnh nhân,canun đã được sát trùng để đặt trong miêng bênh nhân tránh tụt lưỡi và phòng bệnh nhân cắn ống.
- Dầu paraphin hoặc mỡ xilocain 2% để bôi trơn đầu của ống nội khí quản trước khi đặt ống .
- Lọ xịt xilocain dung dịch 3% để xịt vùng hầu họng cho bệnh nhân trước khi đặt ống tránh kích thích.
- Kìm magill: để gắp đầu trong của ống nội khí quản đưa vào khí quản khi đặt ống qua đường mũi.
- Băng dính: bản phải to 1cm. dài để cố địng ống nội khí quản.
- Met: Để nhet miệng họng nếu cần.
- Các dụng cụ phải được làm sạch, sát trùng bằn cồn. Riêng ống nội khí quản và bơm tiêm phải được vô khuẩn trước khi dùng. Sau khi đã lựa chọn và kiểm tra cẩn thận . Phải sắp sếp ngay ngắn trên bàn gây mê, đậy khăn vô khuẩn lên đẻ khi dùng mở ra dùng ngay.

1.2 Phương tiện cho hồi sức:
- 1 gối kê vai: cao hay thấp tuỳ theo bệnh nhân: từ 5-10cm.
- Oxy: Từ bình thép hoặc oxy trung tâm. Oxy từ bình phải có bộ đo áp lực trong bình, lưu lượng kế và bộ đo áp lực , van điều chỉnh hệ thống làm ẩm, dây dẫn đủ, phải mở, kiểm tra trước khi dùng
- Máy gây mê ( hoặc máy thở) Máy gây mê phải được lắp dây, kiểm tra vôi soda, các thuốc gây mê , đặt các thông số hô hấp trên bộ phận thở, vận hành thử xem có kín không các van hoạt động có an toàn không?
- Máy hút: cũng phải vận hành thử xem áp lực hút có tốt không?
- Các laọi ống thông: ống hút dịch, ống thông dạ dày, ống thông nước tiểu phải chuẩn bị sẵn và các chai chứa dịch để cắm ống hút.
- Cột truyền, quang treo dịch...
- Dây truyền dịch, truyền máu, kim truyền dịch thường dùng kim luồn.

1.3 Phương tiện theo dõi:

Ống nghe, máy đo huyết áp có băng tay cùng cỡ phù hợp nhất là đối với trẻ em, cặp nhiệt độ, theo dõi điện tim... nếu có điều kiện sử dụng monitor theo dõi các số SpO2, mạch, huyết áp, thở, điện tim...cùng một lúc.

1.4 Các phương tiện khác:

Bàn mổ, đã có sẵn trong phòng mổ, đèn mổ, kiểm tra xem có đủ sáng không, các ổ cắm điện, dây điện, ổn áp... phải kiểm tra chắc chắn, cồn 70 độ, cồn iod, bông cồn.

2. Chuẩn bị thuốc để gây mê và hồi sức:
2.1 Thuốc dùng để gây mê:
Mỗi phòng mổ đã có sẵn tủ thuốc riêng, cơ số thuốc dùng đã được sắp xếp sẵn. Người gây mê chỉ việc lựa chọn những thuốc mình sắp dùng đem ra bàn gây mê.
- Chuẩn bị thuốc tiền mê: tuỳ theo bệnh nhân mà chọn theo chỉ định.
- Chuẩn bị thuốc mê.
+ Thuốc mê hô hấp: N2O đã có sẵn tromg bình trên máy mê, chỉ cần kiểm tra đồng hồ đo áp lực. Các thuốc mê bốc hơi ở trong bình bốc hơi trên máy mê. Nếu bình nào hết cần phải bổ xung: thuốc mê halothan trong bình fluotex, thuốc mê ete trong bình ete, thuóc mê foran trong binh isofluran. Mỗi loại thuốc được đỏ trong bình riêng của nó và được khoá an toàn.
+ Thuốc mê tĩnh mạch: hai loại thuốc mê tĩnh mạch hay được dùng hiện nay là thiopental, propofol.
Thiopental: cần phải pha theo nồng độ đã chỉ định,pha vào bơm tiêm 20 ml.
Các thuốc mê khác, nếu có chỉ định dùng, cũng lấy sẵn vào bơm tiêm riêng và dán nhãn.
- Thuốc giãn cơ: thuốc giãn cơ có hai loại khử cực và không khử cực. Mỗi loại hiện nay có nhiều thuốc khác nhau. Theo chỉ định của bác sỹ mà lấy loại nào. Có thuốc cần phải pha thì pha sẵn(myrelaxin, aduan) có loại không cần phải pha. Lưu ý, khi lấy thuốc vào bơm tiêm cần phải dán nhãn vào bơm và ghi tên thuốc.
- Thuốc giảm đau: nếu dùng laọi nào thì lấy sẵn. Có thể pha loãng hay không pha tuỳ theo chỉ định

2.2 Thuốc hồi sức và dịch truyền:

- Các thuốc hồi sức tim mạch và hô hấp cũng nên chuẩn bị sẵn sàng cho những bệnh nhân nặng, nếu cần có thể lấy dùng ngay.
- Dịch truyền: các dung dich thông thường, ringer lactat, nacl 9%o , glucose 5%... và các dung dịch keo cao phân tử, dextran, heat 6%. 10%...máu: (nếu có chỉ định) lấy máu về phải làm ấm trước khi truyền(máu dự trữ).


3. Chuẩn bị phương tiện cho gây tê:

Gây tê là phương pháp vô cảm theo vùng. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra những tai biến bất thường. Có những tai biến nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân như dị ứng với thuốc tê, ngộ độc thuốc tê. Vì vậy việc chuẩn bị các phương tiện cho gây tê cũng phải đầy đủ như một trương hợp gây mê. Ngoài ra còn phải chuẩn bị thêm một số phương tiện cho gây tê.
- Kim gây tê tuỷ sống.
- Kim gây tê ngoài màng cứng.
- Kim gây tê xương cùng.
- Phương tiện cho gây tê tĩnh mạch.
- Các phương tiện theo dõi, ngoài những phương tiện theo dõi giống gây mê, nếu có điều kiện, cần có thêm máy theo dõi độ tê.

4. Chuẩn bị thuốc cho gây tê:

- Các thuốc tiền mê dùng trước khi gây tê cũng phải tuỳ theo bệnh nhân mà chuẩn bị.
- Các thuốc giảm đau, mê tĩnh mạch cũng phải được chuẩn bị nếu cần phối hợp, sẽ dùng.
- Các thuốc hồi sức và dịch truyền cũng giông trong gây mê.
- Các thuốc tê: tuỳ theo cách gây tê, tuỳ theo từng bệnh nhân, tuỳ theo sự lựa chọn của thầy thuốc, tỳ theo thời gian mổ mà người thầy thuốc chỉ định thuốc tê.

Tóm lại: trước một cuộc gây mê hay gây tê. Mặc dù là mổ nhỏ, người gây mê cũng phải chuẩn bị chu đáo. Công việc này chủ yếu của người y tá phụ mê. Phải chuẩn bị đủ, đảm bảo sạch hoặc vô trùng, các phương tiện khi dùng. Phải sắp xếp khoa học gọn gàng để khi gây mê dễ thấy, dễ lấy.
................

Chuẩn bị chung trước mổ

1-Thăm khám tiền phẫu:
Công việc thăm khám tiền phẫu được tiến hành bởi phẫu thuật viên và bao gồm các bước sau:
o Khai thác tiền căn và đánh giá toàn trạng
o Thăm khám toàn thân
o Thăm khám các hệ cơ quan
o Xác định các yếu tố nguy cơ của cuộc phẫu thuật
Khi khai thác tiền căn, cần chú ý đến:
o Các bệnh lý về thần kinh (tai biến mạch máu não, co giật, tâm thần…)
o Các rối loạn đông máu
o Các bệnh lý nội khoa
Bệnh tim mạch (tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, bệnh van tim)
Bệnh hô hấp (hen, bệnh phổi tắc nghẽn)
Bệnh gan (viêm gan, suy gan)
Bệnh thận (suy thận)
Tiểu đường
Suy giáp hay cường giáp
Bệnh về khớp (viêm khớp cấp hay mãn tính)
o Các bệnh lý nhiễm trùng: Viêm đường hô hấp trên. Nhiễm trùng ngoài da (Herpes simplex virus). Nhiễm trùng tiểu
o Sản phụ khoa (thai kỳ, kinh nguyệt)
o Vấn đề dinh dưỡng (chán ăn, sụt cân)
o Hiện tượng ngáy hay ngưng thở trong lúc ngũ.
o Tiền căn phẫu thuật (chẩn đoán và phương pháp phẫu thuật, các biến chứng xảy ra trong và sau mổ).
o Các thiết bị nhân tạo: trong cơ thể có mảnh ghép (mạch máu), có đặt máy tạo nhịp tim hay van tim nhân tạo.
o Dị ứng thuốc (kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc gây tê, latex…).
o Tương tác thuốc:
Lợi tiểu (có thể gây hạ K+, Mg2+ huyết tương, làm tăng nguy cơ loạn nhịp khi có tác động của epinephrine).
MAO, phenothiazine, thuốc chống trầm cảm ba vòng (làm tăng tác động lên hệ tim mạch của epinephrine)
Propranolol: làm tăng huyết áp kịch phát và chậm nhịp tim khi kết hợp với epinephrine.
Các loại thuốc có tác động bất lợi đến cuộc phẫu thuật:
Aspirin, NSAID (làm tăng nguy cơ chảy máu)
Corticoid (có thể gây suy tuyến thượng thận)
Hormone tuyến giáp (việc ngưng sử dụng các chế phẩm của hormone tuyến giáp do bệnh lý hay phẫu thuật sẽ dẫn đến các biến chứng của suy giáp)
Việc đánh giá toàn trạng nhằm xác định khả năng thích nghi và mức độ chịu đựng của BN đối với cuộc phẫu thuật, đồng thời góp phần vào việc đánh giá các yếu tố nguy cơ của các hệ cơ quan, đặc biệt nguy cơ trên hệ hô hấp và tim mạch.

2-Y lệnh tiền phẫu:
-Thuốc lá: BN cần ngưng hút thuốc lá tối thiểu 8 tuần trước phẫu thuật. Thuốc lá làm tăng tính kích thích của phế quản, tăng nguy cơ co thắt phế quản và tăng tiết đàm trong và sau phẫu thuật. Tình trạng tăng tiết đàm có thể dẫn đến xẹp phổi, viêm phổi. Nghiên cứu cho thấy rằng, việc ngưng hút thuốc là trong thời gian ngắn hơn 8 tuần trước mổ không làm thay đổi nguy cơ xảy ra các biến chứng về hô hấp sau mổ.

-Các xét nghiệm tiền phẫu: nếu BN khoẻ mạnh, các xét nghiệm tiền phẫu thường qui sau đây được chỉ định:
o Công thức máu
o Nhóm máu
o Đường huyết
o Creatinine huyết tương
o AST, ALT
o ECG (nếu BN trên 40 tuổi)
o X-quang phổi thẳng
o Tổng phân tích nước tiểu
o Test thai nhanh (QS): cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi sanh nở.

-Ăn uống:
o Ngày trước mổ: chế độ ăn không có chất bã
o Không ăn thức đặc (bao gồm cả nước cam, soda và sữa) tối thiểu 6 giờ trước phẫu thuật
o Không uống dịch trong (bao gồm nước và nước táo) tối thiểu 2 giờ trước phẫu thuật

-Vận động:
Có ba mức độ: nghỉ ngơi trên giường, vận động có giới hạn, vận động bình thường. Tuỳ thuộc vào bệnh lý và yêu cầu của cuộc phẫu thuật mà BN được yêu cầu một trong ba phương pháp vận động nói trên.

Trừ trường hợp có chỉ định đặc biệt, hầu hết BN được yêu cầu vận động bình thường. Việc duy trì vận động bình thường trước mổ sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động của hệ tim mạch và hô hấp, tăng cường chức năng chuyển hoá, nội tiết và miễn dịch, giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch và teo cơ bắp.

-Các loại thuốc:
Trong giai đoạn trước trong và một khoảng thời gian nhất định sau mổ, các loại thuốc sau đây không được tiếp tục sử dụng:
o Thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu:
Thuốc kháng đông
Thuốc ức chế sự kết tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel, dipyridamole, ticlopidine). Các loại thuốc này được yêu cầu ngưng sử dụng 5 ngày trước phẫu thuật.
Thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID). Các loại thuốc này được yêu cầu ngưng sử dụng vào ngày phẫu thuật.
o Thuốc làm tăng nguy cơ huyết khối (tamoxifen)
Đối với thuốc ức chế COX-2 (Celebrex, Vioxx), không cần thiết phải ngưng sử dụng vào ngày phẫu thuật.
-Chuẩn bị máu
-Ngừa nhiễm trùng
-Ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu
-Chuẩn bị đường tiêu hoá:
o Chuẩn bị đại tràng: dành cho các phẫu thuật trên đại tràng.
o Chuẩn bị trực tràng: dành cho phẫu thuật vùng hậu môn, tầng sinh môn.
-Vệ sinh vùng mổ: thông thường BN sẽ được yêu cầu tắm rửa vào ngày trước phẫu thuật và vệ sinh vùng mổ vào sáng ngày phẫu thuật. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm trùng vùng mổ sẽ thấp nhất khi vệ sinh vùng mổ bằng cách cắt lông và công việc này được tiến hành ngay trước cuộc mổ.
-Các công việc chuẩn bị khác (tháo tư trang, tẩy sơn móng tay…).
-Buổi sáng ngày mổ:
o Thay đồ, tháo tư trang
o Đặt thông dạ dày được chỉ định trong các trường hợp sau: phẫu thuật thực quản, phẫu thuật dạ dày, BN có bệnh lý trào ngược.
o Đặt một đường truyền tĩnh mạch ngoại biên. Dung dịch được chọn lựa là Ringer-Glucose 5%.
-Chỉ nên chuyển BN vào phòng tiền mê 1 giờ trước khi bắt đầu phẫu thuật.

3-Chuẩn bị tâm lý:
Các sang chấn về tâm lý (lo lắng, xúc động, sợ hãi) có tác động bất lợi đến kết quả phẫu thuật.
Cần thông báo cho BN biết:
o Phương pháp điều trị, hướng xử trí cũng như kết quả điều trị.
o Nếu có nhiều phương pháp điều trị, nêu rõ mặt tích cực và mặt giới hạn của từng phương pháp và cho BN biết phương pháp nào thích hợp nhất cho BN.
o Một phần cơ thể hay một cơ quan nội tạng sẽ bị cắt bỏ, đặc biệt các phần có liên quan đến vận động (chi) và thẩm mỹ (vú).
o Vấn đề bài tiết sẽ không theo cách thức tự nhiên (hậu môn nhân tạo, mở niệu quản ra da).
o Tiên lượng của cuộc phẫu thuật (sẽ cho kết quả tốt, trung bình hay kém). Nếu BN không ổn định về tâm lý, thông báo điều này cho thân nhân của BN.
Đêm trước phẫu thuật, cho BN một loại thuốc an thần nhẹ (diazepam 10 mg uống).

4-Máu và dịch truyền:
Lý tưởng nhất là duy trì Hct từ 30% trở lên, nồng độ Hb từ 10 g/dL trở lên, đặc biệt khi BN sắp trãi qua phẫu thuật lớn, BN có bệnh lý tim mạch, hô hấp.
Tuy nhiên, nếu BN có sinh hiệu ổn định và không thiếu nước, nồng độ Hb từ 7 g/dL trở lên không làm tăng tỉ lệ biến chứng và tử vong hậu phẫu.

5-Dinh dưỡng:
BN có nồng độ albumin dưới 2 g/dL hay sụt cân hơn 10% trọng lượng cơ thể cần được nuôi dưỡng hỗ trợ qua đường tĩnh mạch 7-9 ngày.
Ở BN béo phì, sự giảm cân sẽ có tác động tích cực đến hệ tim mạch và hô hấp trong và sau mổ cũng như sự lành vết thương.
-nguồn bài giảng ngoại khoa-
...................